Lương 10-30 triệu mỗi tháng, vì sao nhân viên ngân hàng vẫn đua nghỉ việc?
(DNVN) – Dù thu nhập bình quân của nhân viên tại phần lớn ngân hàng đều đạt 10-30 triệu đồng mỗi tháng, song tỷ lệ nghỉ việc cũng rất cao.
Báo cáo tài chính của VPBank cho biết riêng quý đầu tiên của năm 2019, ngân hàng này đã giảm tới 520 nhân viên, tương đương 5% so với đầu năm. Đây cũng là ngân hàng có số lượng nhân sự sụt giảm mạnh nhất trong những tháng vừa qua.
Vietinbank thuộc top 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, cùng mức thu nhập bình quân cho nhân viên 31,3 triệu đồng (thuộc top 6 hệ thống ngân hàng). Tuy nhiên, số lượng nhân viên những tháng qua lại giảm tới 280 người. Tính đến cuối tháng 3, ngân hàng này đang có 22.338 nhân viên các vị trí.
BIDV và SHB cũng là 2 ngân hàng có số lượng nhân viên sụt giảm trên 100 người những tháng đầu năm. Tính đến cuối quý I, riêng ngân hàng BIDV có 23.274 nhân viên, giảm 108 người so với cùng kỳ. Trong khi đó, SHB hiện có 5.500 nhân sự, giảm 161 người so với đầu năm.
Nhiều người cho rằng mức thu nhập bình quân cho nhân viên tại mỗi ngân hàng chưa xác thực, một nickname làm việc trong ngành ngân hàng chia sẻ trên trang cá nhân: “Đừng lấy lương bình quân ra nói vì thiểu số sếp lương mấy chục triệu, hàng chục ngàn nhân viên lương chỉ quanh 10 triệu thôi. Nhân viên ngân hàng nghỉ việc nhiều vì làm quần quật 10-11 tiếng/ngày, áp lực rất lớn mà thu nhập thấp.”
Có lẽ không nên nhìn báo cáo để đánh giá thu nhập, công việc của nhân viên ngân hàng. Đằng sau những con số “mức lương trung bình hai mươi mấy triệu, ba mươi mấy triệu” là thực tế hoàn toàn khác.
Đối với những người làm trong ngành này hiểu được không bao giờ có “khái niệm” làm việc 8 tiếng/ngày. Việc về nhà lúc 20 – 21h đêm là chuyện diễn ra thường xuyên. Lương thấp nhưng thời gian dành cho công việc nhiều, áp lực với chỉ tiêu, doanh số và chưa kể cả những rủi ro luôn rình rập.