Tin tức

Kinh doanh đồ ăn nhanh: còn hay hết thời?

Ngành kinh doanh đồ ăn nhanh hiện đang tụt xuống hạng thứ 3, đứng sau tốc độ tăng trưởng của ngành nhà hàng và mô hình ẩm thực đường phố. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phát triển chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh theo phương thức mới để đáp ứng kịp thời nhu cầu hiện nay của người tiêu dùng.

Đa dạng thức ăn nhanh

       Theo báo cáo của Euromonitor, năm 2016 trong thị trường ẩm thực tại Việt Nam, ngành thức ăn nhanh hiện đang tụt xuống hạng thứ 3, đứng sau tốc độ tăng trưởng của ngành nhà hàng và mô hình ẩm thực đường phố dạng kiosk di động. Tuy nhiên, nếu xét về tổng giá trị ngành, thức ăn nhanh vẫn xếp thứ 2 chỉ sau ngành nhà hàng.

Thực trạng “xuống dốc” của ngành thức ăn nhanh không phải là mới, trong vòng 5 năm trở lại đây, tốc độ phát triển của ngành này trên thế giới có phần chững lại, phần lớn là do tốc độ phát triển thấp tại một số thị trường lớn như Ấn Độ, Nhật Bản và cả ở thị trường châu Mỹ la tinh như Brasil chẳng hạn. Trong khi đó hai ngành mới nổi là mô hình ẩm thực đường phố dạng kiosk di động và mô hình giao hàng tận nơi lại tăng tốc.

Tuy nhiên, nếu đánh đồng tất cả các mô hình thức ăn nhanh khác nhau vào chung một xu hướng giảm sút thật ra là không công bằng. Không chỉ dừng lại ở các mô hình như McDonald’s hay Domino’s, trên thực tế thức ăn nhanh chia thành rất nhiều phân nhánh nhỏ bao gồm các mô hình: burger, dịch vụ ẩm thực châu Á Panda Express, cửa hàng bánh Breadtalk, kem Baskin Robins, chuyên gà như KFC, pizza Domino’s… và cuối cùng là một ngành đang phát triển cực nhanh và đáng chú ý là thức ăn nhanh trong hệ thống cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven.

Trong top 10 thương hiệu thức ăn nhanh năm 2016 về tổng giá trị doanh thu, có 2 thương hiệu đáng chú ý là 7-Eleven xếp hạng thứ 4 và Family Mart xếp hạng thứ 9. Câu hỏi đặt ra là mô hình cửa hàng tiện lợi thì liên quan gì đến mô hình thức ăn nhanh? Trên thực tế, đây được xem là chuyển động đáng chú ý nhất trong những năm qua đối với mô hình cửa hàng tiện lợi trên thế giới. Tại Việt Nam, Family Mart và Circle K cũng có những động thái phát triển dịch vụ thức ăn nhanh trong chuỗi, tuy nhiên, dòng sản phẩm còn ít đa dạng so với đầu tư vào mảng này của 7-Eleven. Sự xuất hiện của 7-Eleven tại Việt Nam ngày 17/6/2017 vừa qua cho thấy, việc áp dụng chiến lược tương tự là chiếm lĩnh thị phần thức ăn nhanh tại cửa hàng tiện lợi. Với dòng sản phẩm đa dạng từ gỏi cuốn đến cơm phần, phở xào và vịt lộn xào me, động thái của “đại gia tiện lợi” này hết sức rõ ràng, dù các dòng sản phẩm và giá bán đang tạo ra nhiều ý kiến khen, chê đa chiều từ phía người tiêu dùng. Dự đoán là đại gia này sẽ có nhiều hiệu chỉnh về dòng sản phẩm thức ăn nhanh trong thời gian sắp đến. Tuy nhiên, thức ăn nhanh sẽ tiếp tục là kênh đầu tư quan trọng của thương hiệu này trên toàn thế giới.

Những biến động khác nhau này trong ngành thức ăn nhanh cho thấy, sự dịch chuyển của xu hướng tiêu dùng về phía hiện đại hơn, tiện lợi hơn, linh hoạt hơn với giả cả hợp lý hơn. Các mô hình thức ăn nhanh truyền thống hầu như đều phải hiệu chỉnh theo hướng cao cấp hơn, áp dụng công nghệ để tạo ra dịch vụ tiện lợi hơn, cá nhân hóa hơn và đầu tư xây dựng trải nghiệm nhiều hơn cho khách hàng. Nếu đến thăm một nhà hàng burger cao cấp mới của McDonald’s, khách hàng giờ đây có thể lựa chọn loại bánh, loại phô mai, loại sốt… theo ý mình. Bữa ăn sẽ được phục vụ tại bàn với vật dụng phục vụ cao cấp hơn, nhưng với giá cũng cao hơn gấp 2-3 lần một bữa thức ăn nhanh truyền thống.

Ngành thức ăn nhanh, do đó, tuy có sụt giảm về tốc độ tăng trưởng, vẫn là một ngành tiếp tục phát triển với tốc độ vừa phải và giá trị lớn. Sự chững lại này chỉ cho thấy nhu cầu sáng tạo, thay đổi mô hình cho phù hợp hơn với nhu cầu tiêu dùng mới trên thế giới, đặc biệt là cơ hội cho những mô hình và thương hiệu chuỗi mới như thức ăn nhanh châu Á, ẩm thực đường phố, giao hàng tận nơi và thức ăn nhanh tại cửa hàng tiện lợi.

*Nguồn: Doanh nhân online



Liên hệ 0899.556.969
Vui lòng nhập chính xác địa chỉ Email để nhận được thông tin mới nhất từ Midass